Chưa có tình trạng bán tháo nhưng sẽ xuất hiện cơ hội bắt đáy ở thị trường BĐS

Trước đó, khi phải đối mặt với làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia bất động sản dự đoán thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm sẽ có ảnh hưởng tiêu cực. Có thể sẽ xuất hiện làn sóng bán tháo bất động sản, giảm giá bán để cắt lỗ vào thời điểm cuối năm để giảm bớt áp lực nợ vay từ phía ngân hàng.

Thực tế thì dù dịch bệnh đã kéo dài hơn một năm nay, thị trường bất động sản có đã có dấu hiệu trầm lắng và gần như đóng băng. Nhưng tới thời điểm hiện tại, giãn cách đang kéo dài và tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát thì ngành bất động sản vẫn chưa xảy ra tình trạng bán tháo. Tuy nhiên, cơ hội bắt đáy là có khả năng xuất hiện.

Sẽ không xảy ra tình trạng bán tháo BĐS trong năm 2021

Trái với lo ngại về tác động của diễn biến dịch bệnh căng thẳng trong vài tháng trở lại đây tới thị trường bất động sản có thể dẫn tới làn sóng bán tháo sẽ xuất hiện, tại tọa đàm trực tuyến “Bất động sản hậu đại dịch: Sóng về đâu?”, các chuyên gia lại cho rằng, sẽ không xảy ra tình trạng bán tháo trong năm 2021.

BĐS mùa dịch
Sẽ không có tình trạng bán tháo BĐS trong năm 2021 – Ảnh minh họa

Nhận định của TS Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng; nửa cuối năm 2021 thị trường BĐS sẽ tiếp tục khó khăn, khó hơn cả năm 2020. Dù TP.HCM cũng như một số tỉnh, TP đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine nhưng tâm lý của khách hàng, nhà đầu tư vẫn ở tư thế phòng thủ.

Ông Hiển nhận định, tình trạng bán tháo cắt lỗ sẽ không diễn ra như nhiều người lo ngại. Theo ông Hiển, tính thanh khoản bất động sản tại Việt Nam có diễn biến rất kỳ lạ. Thị trường khi có cơ hội sẽ diễn ra tình trạng mua bán ào ào, mức giá nào cũng có người mua và có người bán. Khi thị trường trầm lắng, bất động sản không rớt giá, chỉ khó bán.

Ông Hiển nhấn mạnh, mặc dù tình hình hiện tại đã xuất hiện nhà đầu tư khó khăn trong trả nợ; nhưng không có xuất hiện đổ vỡ hàng loạt của thị trường bất động sản; như các nước phát triển khi xảy ra khủng hoảng.

“Không dùng từ bán tháo, mà chỉ đang có lượng bán mạnh. Đã xuất hiện tình trạng người bán chấp nhận giảm giá sâu từ 20-30%”, ông Hiển nói. Vị chuyên gia này tiết lộ; một số thị trường thiên về du lịch như Hội An đang bán giảm giá tới 20-30%. Tuy nhiên, người bán không bán đại trà mà tìm người mua thành ý, có năng lực mua. Họ gặp nhau và đàm phán.

Nhận định của ông Phan Công Chánh – Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư Phú Vinh

Đồng quan điểm đó, ông Phan Công Chánh cũng nhận định: “Làn sóng bán tháo bất động sản chưa xảy ra đến cuối năm 2021”. Lý giải điều này, ông Chánh cho rằng, bất động sản là tài sản lớn. Nhiều người đã phải dành dụm tiết kiệm rất lâu mới có thể sở hữu được bất động sản. Thế nên họ giữ bằng mọi giá, sẵn sàng vay người thân, bạn bè. Họ không muốn bán tài sản đã nhiều năm tích luỹ.

Thị trường BĐS sẽ bán tháo trong năm 2021?
Nhà đầu tư sẽ giữ BĐS bằng mọi giá vì đây là tài sản lớn – Ảnh minh họa

Trong khi đó, với các nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp; họ đều tính để khả năng nắm giữ tài sản, từ 12-24 tháng. Khả năng nắm giữ tài sản có nghĩa là khả năng chi trả tiền lãi vay cũng như tiền gốc của một nhà đầu tư.

Thế nên theo ông Chánh, nếu dịch chưa cải thiện; có thể xảy ra 1 số trường hợp khiến lượng bán tăng dần lên nhưng không phải bán tháo. Ông Chánh dự đoán phải đến quý II/2022, tình trạng bán tháo mới xuất hiện nếu dịch tiếp tục kéo dài.

Thời điểm thích hợp để đầu tư bất động sản

Chia sẻ về thời điểm thích hợp để xuống tiền mua bán bất động sản, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, không ít người mua và người bán đang chờ đến tháng 10; thời điểm có thể sẽ nới lỏng giãn cách xã hội nếu kiểm soát được dịch tại khu vực phía Nam. Đây cũng là thời điểm mà nhiều công ty dự báo sẽ có đợt thanh khoản “bùng” lên; do những nhà đầu tư sẵn tiền mặt bắt đầu “bắt đáy” thị trường.

Ông Hiển đưa ra khuyến nghị rằng, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc kỹ về vị thế tài chính của mình để ra quyết định phù hợp. Những người đang “ôm” nhiều tài sản mà thật sự gặp khó khăn nên chấp nhận bán bớt các bất động sản còn thanh khoản và giá ít bị ảnh hưởng nhất; để cấu trúc lại khoản nợ.

Ngược lại, những người đã “phục kích” một tài sản nào đó từ lâu mà chưa mua được; nên cân nhắc xuống tiền khi giá của nó đã điều chỉnh 5-10%; và đánh giá không dễ mua được nếu bỏ qua cơ hội lần này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *